Để nuôi con khỏe mạnh, bạn cần dựa theo tháp dinh dưỡng cho bé để lựa chọn và cân đối đầy đủ các nhóm thực phẩm theo hướng cần bổ sung nhiều, bổ sung vừa đủ và ít sao cho khoa học và phù hợp với thể trạng của con mình.
Tháp dinh dưỡng cho bé có tác dụng gì?
Tháp dinh dưỡng là mô hình “chuẩn” thể hiện các nhóm thực phẩm khác nhau. Chúng được sắp xếp theo hình kim tự tháp. Dựa vào tháp dinh dưỡng cân đối của Viện Dinh dưỡng Việt Nam, các chuyên gia đã tính toán và xây dựng nên tháp dinh dưỡng chung cho bé từ 6 tháng tuổi đến 6 tuổi.
Trong tháp dinh dưỡng cho bé có 6 nhóm thực phẩm chủ yếu: thực phẩm có tinh bột và đường, hoa quả và rau xanh, sữa và các sản phẩm từ sữa, thịt cá cung cấp đạm, dầu mỡ cung cấp chất béo, các món ăn phụ kèm theo.
Dựa vào đó, các mẹ có thể định lượng được những nhóm thực phẩm nào là cần thiết cho con. Ở mỗi độ tuổi khác nhau, bé sẽ có những nhu cầu dinh dưỡng khác nhau. Vì vậy, khi nuôi con mẹ cần “bám sát” theo tháp dinh dưỡng mà cân bằng chế độ dinh dưỡng cho trẻ hợp lý.
Phân tích tháp dinh dưỡng cho bé đúng chuẩn
1. Nhóm ngũ cốc, bột đường
Đây chính là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu, chiếm 60% trong tổng năng lượng khẩu phần của bé. Theo tính toán, cứ 1g carbohydrat cung cấp 4 kcal năng lượng. Ngoài ra, nhóm bột đường còn giữ nhiệm vụ điều hòa hoạt động cơ thể, cấu tạo nên các mô và tế bào. Đặc biệt chúng hỗ trợ sự phát triển hệ thần kinh và trí não của trẻ nhỏ.
Nhóm này tập hợp nhiều loại thực phẩm: ngũ cốc, khoai tây, khoai lang, bánh mì, gạo, mì, nếp, ngô, bo no…Trong đó, gạo là thực phẩm quen thuộc chính của các bé. Đối với bé dưới 1 tuổi, cần 60-120g gạo/ngày, bé 1-6 tuổi cần 120-220g/ngày.
2. Nhóm rau, củ, quả
Theo nhiều nghiên cứu, trẻ nhỏ ăn nhiều rau quả giúp cải thiện dinh dưỡng, ngăn ngừa béo phì, phòng chống táo bón. Điều đáng nói là kết quả học tập và khả năng tiếp thu của bé tốt hơn. Bởi đây là nguồn chứa chất xơ, vitamin, khoáng chất và các chất chống oxy hóa dồi dào.
Các bé cần đến các loại rau có màu xanh đậm (súp lơ xanh, bông cải, rau bina, cải xoăn…), các loại củ cải và đặc biệt là hoa quả tươi (bơ, đu đủ, chuối, nho, kiwi, dâu tây…). Các chuyên gia khuyến nghị tối thiểu một ngày bé cần 300g nhóm thực phẩm này.
Tuy nhiên, các bậc phụ huynh đang rất bận tâm đến vấn đề “lười ăn rau” của bé. Một số cách có thể giúp cải thiện tình trạng này: cho thêm nhiều hoa quả và rau củ vào chế độ ăn, để sẵn rau quả vào mỗi bữa ăn của bé, ăn kèm rau với những món bé thích, làm sinh tố từ rau củ, đừng ép buộc và hãy luôn cho bé thử những loại mới.
3. Sữa và các sản phẩm từ sữa
Sữa mẹ, sữa công thức, sữa bò cung cấp rất nhiều những dưỡng chất cần thiết, các axit béo có lợi cho sự phát triển trí não, canxi dồi dào tốt cho xương và răng của bé. Ngoài ra, các chế phẩm từ sữa như váng sữa, sữa chua hoặc phô mai còn là bữa phụ tuyệt vời. Chúng giúp bổ sung năng lượng cho bé. Đặc biệt, sữa chua có chứa hàng ngàn các vi khuẩn có lợi cho hệ tiêu hóa.
Đối với trẻ 6 tháng-1 tuổi, các mẹ nên cho bé uống sữa 3-6 lần/ngày, 170-250ml/lần. Trẻ từ 1-6 tuổi, tuy chế độ ăn chính hàng ngày là cơm, mì, súp, phở…nhưng trẻ vẫn cần một lượng sữa khoảng 400-500ml/ngày để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cần thiết.
4. Nhóm thực phẩm chứa đạm
Tương tự như nhóm bột đường và ngũ cốc, cứ 1g chất đạm mang đến 4 kcal năng lượng. Cung ứng đầy đủ đạm là cách để bảo vệ cơ thể trẻ nhỏ khỏi sự xâm nhập của các loại virut, vi khuẩn, phòng tránh bệnh tật.
Có 2 nguồn cung cấp đạm cho bé là đạm thực vật (các loại đậu, đậu hũ) và đạm động vật (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua). Bé từ 6-12 tháng tuổi cần 12 – 25g đạm/ngày, bé 1 – 6 tuổi cần 35-55g/ngày.
5. Nhóm dầu, mỡ
Nhóm các chất béo cung cấp cho bé nhiều năng lượng và là dung môi giúp hòa tác các vitamin tan trong dầu dễ dàng. Trong số đó phải kể đến các vitamin quan trọng như vitamin A, D, E và K. Nhu cầu chất béo từ dầu, mỡ, lạc, vừng các bé cần hấp thu mỗi ngày: 6 – 11 tháng 35g, 1 – 3 tuổi 55g, 4 – 6 tuổi 40g.
6. Nhóm đường, muối và đồ ăn vặt
Trong một ngày bé nên uống tối đa 1 cốc nước ngọt hoặc nước ép trái cây. Bé chỉ được phép ăn 1 – 2 cái kẹo là tối đa. Đối với những bé <1 tuổi bạn không nên nêm mắm, muối vào thức ăn. Tốt nhất nên đề phòng tình trạng bé quen ăn mặn sau này không tốt cho thận. Từ 1 – 6 tuổi, bé chỉ cần 0,5g muối mỗi ngày là đủ.
Lưu ý khi xây dựng thực đơn dinh dưỡng cho bé
Dựa vào tháp dinh dưỡng, các mẹ có thể linh hoạt điều chỉnh liều lượng sao cho phù hợp với từng giai đoạn. Ví dụ ở thời điểm bé ăn dặm, mẹ không nên cho ăn quá nhiều. Bởi lúc này sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng chính. Lưu ý rằng, bé ăn nhiều chưa chắc đã đủ dưỡng chất nhé!
Mặc dù nhóm thực phẩm có chất béo không đóng vai trò chính nhưng lại rất quan trọng trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Một số mẹ vì sợ con bị béo phì nên không cho dầu, mỡ vào thức ăn. Vì thế, bé không đủ chất để phát triển trí não toàn diện.
Theo các chuyên gia, nhu cầu chất béo trẻ nhỏ cần chỉ nên dừng lại ở con số 30% trong các bữa ăn. Chỉ cần hạn chế lựa chọn chất béo no có trong các loại thịt, mỡ. Tăng cường bổ sung các chất béo không no có chứa trong dầu thực vật. Ví dụ như dầu đậu nành, dầu ô liu, dầu hướng dương. Chúng đều tốt cho sức khỏe của bé mà lại ngăn ngừa tình trạng béo phì, thừa cân.
Tháp dinh dưỡng vừa là tiêu chuẩn vừa là công cụ để các bậc phụ huynh biết lựa chọn những thực phẩm lành mạnh cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên nếu con bạn gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe hoặc có liên quan đến dinh dưỡng, hãy tham khảo thêm ý kiến của chuyên gia và bác sĩ để nhận được sự tư vấn tốt nhất.
Từ khóa liên quan:
- tháp dinh dưỡng cho bé ăn dặm
- tháp dinh dưỡng cho bé dưới 1 tuổi
- tháp dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi
- tháp dinh dưỡng cân đối cho trẻ mầm non